Việc đặt các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như bảo hộ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan…. một cách nghiêm túc là bắt buộc nếu Việt Nam muốn hội nhập với thế giới. Trong nội dung bài viết này, Lawkey sẽ hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành; liệu nó có gì khác với thủ tục đăng ký nhãn hiệu hay không?
Mục Lục Trong Bài Viết
1. Quyền tác giả
Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a. Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c. Tác phẩm báo chí;
d. Tác phẩm âm nhạc;
e. Tác phẩm sân khấu;
f. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g. Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; đồ họa
h. Tác phẩm nhiếp ảnh;
i. Tác phẩm kiến trúc;
k. Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m. Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Lý do phải bảo hộ quyền tác giả là vì việc bảo hộ quyền tác giả sẽ bảo đảm cho người sáng tạo ra tác phẩm cơ sở pháp lý chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm.
Mọi hành vi sử dụng tác phẩm đều phải được phép của chủ sở hữu tác phẩm và phải trả tiền cho chủ sở hữu tác phẩm về việc sử dụng đó.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là thành quả của các nỗ lực sáng tạo của con người. Để tạo ra một tác phẩm có giá trị và sáng tạo đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về trí tuệ, thời gian và tài chính. Việc bảo hộ quyền tác giả sẽ là nền tảng cho sự sáng tạo của con người, bằng việc trao cho tác giả các lợi ích, phần thường về tinh thần và vật chất.
Bảo hộ quyền tác giả sẽ góp phần thúc đẩy và khuyến khích sự sáng tạo của con người trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học; đem lại cho những người sáng tạo sự tưởng thưởng, động viên về tinh thần và những lợi ích vật chất từ việc khai thác tác phẩm bù đắp những chi phí đã phải bỏ ra cho việc sáng tạo tác phẩm đó.
2. Hồ sơ thực hiện:
2.1. Trường hợp người đăng ký đồng thời là chủ sở hữu đồng thời là tác giả/ các đồng tác giả
+ 03 bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;
+ 02 Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả.
+ Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả;
+ Giấy uỷ quyền của tác giả/ các tác giả (theo mẫu);
+ Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai – 1 bản (theo mẫu);
2.2. Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu nhưng không đồng thời là tác giả (tổ chức, công ty)
+ 03 bản mẫu tác phẩm gốc;
+ 01 Giấy uỷ quyền của tổ chức công ty (theo mẫu);
+ 01 Bản sao công chứng chứng minh nhân dân (hoặc Chứng minh thư gốc nộp kèm để đối chiếu khi không có công chứng bản sao) của tác giả/các tác giả tác phẩm có xác nhận sao y bản chính;
+ Giấy chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm của tác giả/ các tác giả cho chủ sở hữu tác phẩm (tổ chức, công ty) (1 bản);
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập có công chứng;
+ Giấy cam đoan của tác giả/các tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai (theo mẫu);
+ Các thông tin khác: bút danh của tác giả; địa chỉ; số điện thoại và fax của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
3. Thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả
3.1. Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì nộp đơn nêu rõ lý do và hồ sơ theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất; đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp xác định người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu và những trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ theo quy định của pháp luật.
3.2. Sở Văn hoá – Thông tin sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định pháp luật, chuyển Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm chuyển cho tổ chức, cá nhân nộp đơn ngay sau khi nhận được kết quả xem xét, giải quyết của Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật.
3.3. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan cho Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật theo quy định pháp luật.
3.4. Bộ Văn hoá – Thông tin ban hành các mẫu đơn đăng ký, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.