Một khi hiểu rõ mình cần gì, bạn sẽ dễ tìm được những món ăn vặt tốt cho bé. Sau đây là một số hướng dẫn để bạn chọn ra những món ăn căn cứ theo độ tuổi và giai đoạn phát triển của bé.
Mục Lục Trong Bài Viết
Thức ăn vặt cho bé một tuổi
Trong giai đoạn này, bé thường không muốn ăn nhiều vì cảm giác ngon miệng và tốc độ tăng trưởng đã giảm bớt.
Vì vậy, nên cố gắng chinh phục bé bằng những món ăn vặt ngon miệng, tốt cho sức khỏe và đầy đủ dinh dưỡng. Và ở tuổi này đã sẵn sàng để dùng tay bốc thức ăn.
Trứng là loại thực phẩm chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng đã được cân bằng. Thêm vào đó, bé cũng có thể hấp thụ sắt từ lòng trắng.
Tuy vậy, nên quan sát cẩn thận nếu bé có hiện tượng dị ứng với trứng. Khẩu phần dùng từ 3 đến 4 quả một tuần là vừa phải và bạn cũng không cần lo về lượng cholesterol vì bé cần chất này nhiều hơn người trưởng thành.
Nên cho bé món trứng rán đã cắt nhỏ thành những miếng vuông hoặc sợi dài để bé dễ cầm.
Trái cây tươi tốt hơn nhiều so với nước ép. Trong khi phần lớn hàm lượng trong nước ép là đường, thì trái cây tươi có thể cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất khác.
Nên cho bé một lát nhỏ lê tươi hoặc một ít chuối nghiền, bé chắc chắn sẽ không thể cưỡng lại được đâu!
Sốt táo cũng là một cách khác để giúp bé tiêu thụ nhiều trái cây hơn. Nhưng bạn nên chuẩn bị lau dọn sau khi bé ăn vì sốt sẽ vung vãi khắp nơi nhé!
Phô mai sợi hoặc phô mai viên nhỏ giúp cung cấp canxi cho bé, do đó bạn không phải quá lo lắng liệu bé có thích uống sữa hay không.
Phô mai tươi cũng là một sự lựa chọn tốt, nhưng đừng quên chuẩn bị tâm lý để dọn dẹp nhé!
Các loại rau củ luộc chín như cà rốt và đậu cô ve thái hạt lựu cũng là những lựa chọn thông minh. Tuy vậy cần tránh sử dụng những loại đậu viên.
Khoai tây, cắt nhỏ và nấu chín cũng có thể được cân nhắc. Thế nhưng, không nên tập cho bé ăn khoai tây chiên vì chúng chứa quá nhiều muối và dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.
Thức ăn vặt cho bé 18 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, bé cần từ hai đến ba bữa ăn vặt bổ dưỡng mỗi ngày bên cạnh các bữa chính. Bạn có thể thử:
Bánh quy xoắn vị lạt.
Chuối chín cắt nhỏ hoặc để nguyên trái
Bánh mì lát loại thực phẩm yêu thích nhất của hầu hết các bé. Phết thêm một lớp mỏng bơ đậu phộng hoặc kem phô mai để tăng thêm hương vị và hàm lượng dinh dưỡng cho bé.
Phô mai dạng sợi, dạng lát kiểu Mỹ hoặc dạng viên đều được. Nếu tìm ra được loại bé yêu thích, nên để bé ăn thoải mái.
Bánh quy kẹp bơ đậu phộng thường được bé hưởng ứng.
Ngũ cốc không đường. Bạn nên thêm ngũ cốc vào bữa xế chiều. Bé sẽ rất thích khi được nhặt và ăn từng miếng một.
Bánh gạo vị lạt. Hơi to một chút nhưng thật vui khi thấy bé cầm bánh trên đôi bàn tay nhỏ xíu của mình.
Bánh mì vòng không vị. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những bữa ăn vặt đủ dinh dưỡng. Cắt bánh làm đôi hoặc thành những miếng nhỏ vừa tay; phết thêm kem phô mai, phô mai chảy hoặc trái cây nghiền.
Thức ăn vặt cho bé hai tuổi
Bạn nên để ý đến khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo bé nhận đủ hàm lượng các chất quan trọng như sắt, canxi, vitamin nhóm B và protein. Dưới đây là một số loại thức ăn vặt nhiều dinh dưỡng cho bé:
Trứng chần hoặc trứng luộc chín. Đây là nguồn cung cấp quan trọng chất sắt và protein. Bạn cũng có thể làm trứng rán và cắt thành những miếng vừa ăn.
Phô mai dạng sợi, dạng lát hoặc dạng viên đều giúp bé dung nạp được nhiều canxi và protein hơn.
Cá tẩm bột chiên. Một món ăn tối không chỉ có hương vị được ưa thích mà còn cung cấp nhiều canxi. Có thể kết hợp thêm với khoai tây nghiền để bổ sung tinh bột và làm thành một bữa ăn hoàn chỉnh!
Các sản phẩm có vị nhạt, làm từ ngũ cốc – như bánh gạo, bánh mì lát chứa rất nhiều vitamin nhóm B và được bé yêu thích vì kết cấu mềm mịn dễ ăn.
Bạn cũng có thể phết lên một nửa chiếc bánh mì vòng một lớp kem phô mai để tạo thành món ăn vặt vừa chứa nhiều protein vừa đủ lượng tinh bột cần thiết.
Trái cây xắt lát, như táo, lê, đào, cam. Trái cây tươi luôn là sự lựa chọn đúng đắn.
Trái cây sấy khô và nho khô. Cần đảm bảo bạn đã cắt trái cây thành sợi nhỏ và lấy đi phần hột của đào khô hoặc táo khô. Bé ở độ tuổi này sẽ thích việc nhặt lấy từng miếng trái cây từ chiếc ly yêu thích của mình.
Súp lơ xanh hoặc súp lơ trắng hấp chín, ăn kèm với khoai tây nghiền. Nếu được ăn thử sớm, đây có thể là một trong những món yêu thích của bé.
Pizza tí hon. Cắt một nửa bánh muffin hoặc bánh mì vòng, xịt tương cà, cho thêm phô mai, bỏ vào lò nướng và để nguội. Chắc chắn bé sẽ reo lên vì thích thú!
Một số loại thực phẩm cần tránh
Các loại thức ăn sau đây có nguy cơ khiến bé bị mắc nghẹn cho trẻ ở độ tuổi này:
Bánh mì xúc xích (Hot dog)
Nho hoặc cà chua bi để nguyên trái
Kẹo cứng, bao gồm cả kẹo mềm hình viên đậu
Các loại hạt
Bỏng ngô
Cà rốt, cần tây, đậu que chưa nấu chín hoặc bất cứ loại rau củ cứng nào.
Các loại hạt (chẳng hạn như hạt bí, hạt hướng dương)
Các thức ăn như thịt hoặc khoai tây được cắt miếng quá lớn
Một muỗng lớn bơ đậu phộng (chỉ được sử dụng loại có kết cấu kem mịn và phết một lớp mỏng lên bánh quy hoặc bánh mì lát)
Lưu ý về nước trái cây
Nước trái cây là một loại thức uống ngọt được hầu hết bé ưa thích. Tuy vậy, chúng lại có liên quan mật thiết đến bệnh viêm tai giữa và sâu răng.
Ở các nước đã phát triển, một trong những lý do phổ biến của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em là do uống quá nhiều nước trái cây.
Một ly nước trái cây (nhớ là chỉ một ly nhỏ, không phải một bình) dùng kèm một loại thức ăn vặt khác có thể chấp nhận được. Nhưng bạn cần ghi nhớ, tuyệt đối không để nước trái cây trở thành món chính trong bữa ăn.
Nếu được, bạn nên ưu tiên nước ép tự nhiên thay vì loại đóng hộp, cocktail hoặc các thức uống tổng hợp khác. Cần đọc thật kĩ nhãn mác của nước trái cây và tốt nhất là để chúng tránh xa các bữa ăn vặt của bé.